Những cơn ho dai dẳng là một trong những triệu chứng của viêm phế quản phổi ở trẻ
Bệnh viêm phế quản phổi ở trẻ em là gì?
Viêm phế quản phổi ở trẻ là tình trạng viêm các phế quản nhỏ, phế nang và các tổ chức xung quanh phế nang rải rác hai phổi, làm rối loạn trao đổi khí, tắc nghẽn đường thở dễ gây suy hô hấp và tử vong.
Trong giai đoạn khởi phát, trẻ có các biểu hiện: sốt nhẹ tăng dần, mệt mỏi, quấy khóc, ăn kém, ngạt mũi, chảy nước mũi. Khi bệnh chuyển sang giai đoạn toàn phát, trẻ có các dấu hiệu nhiễm khuẩn rõ rệt: sốt cao, lưỡi bẩn, môi khô, ho khan hoặc ho xuất tiết đờm nhiều; nhịp thở nhanh, tím tái ở lưỡi, quanh môi, đầu chi.
Nguyên nhân gây viêm phế quản phổi ở trẻ nhỏ
Bệnh viêm phế quản phổi rất hay gặp ở trẻ em, nhất là trẻ dưới 1 tuổi, những trẻ đang mắc một bệnh nhiễm khuẩn khác như cúm, sởi, ho gà...rất dễ bị viêm phế quản. Những trẻ đẻ non, còi xương, suy dinh dưỡng cũng dễ mắc và thường tiến triển nặng dẫn đến viêm phổi.
Tác nhân gây bệnh ban đầu thường là virus sau đó có thể bội nhiễm thêm vi khuẩn. Các yếu tố dị ứng như phấn hoa, bụi bẩn, không khí ô nhiễm...cũng là những nguyên nhân kích thích đường hô hấp, gây viêm phế quản phổi cho trẻ.
Triệu chứng bé bị viêm phế quản phổi
Thông thường trẻ bị viêm mũi họng lâu ngày không được điều trị kịp thời, tiêu diệt những nguyên nhân gây viêm dần dần dẫn đến viêm phế quản phổi là những phần sâu hơn của bộ máy hô hấp.
- Trẻ bắt đầu từ những cơn ho vừa đến nặng, kéo dài hơn 2 tuần có thể kèm theo sốt, đau ngực, sổ mũi, tiêu chảy, mệt mỏi, chán ăn, bỏ bú, bỏ chơi.
- Khi trẻ thở nhanh liên tục, thở gắng sức (60 lần/phút với trẻ dưới 2 tháng tuổi, trên 50 lần/phút với trẻ hơn 2 tháng – 1 tuổi hoặc trên 40 lần/phút với trẻ trên 1 tuổi) thì có thể trẻ đã có nguy cơ viêm phổi.
- Đặc biệt khi thấy trẻ thở rít, tím tái và có dấu hiệu rút lõm lồng ngực khi trẻ hít vào thì trẻ có thể đã bị viêm phổi nặng cần đưa ngay đến cơ sở y tế để thăm khám.
Chẩn đoán trẻ bị viêm phế quản phổi:
Quan trọng nhất là 3 dấu hiệu ho, sốt, thở nhanh hay gắng sức để chẩn đoán trẻ bị viêm phế quản phổi hay không và mức độ nặng nhẹ như thế nào. Khi phát hiện trẻ có các biểu hiện nhiễm khuẩn hô hấp trên như cảm lạnh, viêm mũi, họng thì trẻ cần được thăm khám, xử lý kịp thời và chăm sóc tốt tại các cơ sở y tế để ngăn chặn bệnh chuyển sang viêm phế quản phổi.
Đưa trẻ đến phòng khám để được chẩn đoán ngay khi thấy triệu chứng của bệnh
Khi nghi ngờ trẻ bị viêm phế phản phổi cần đưa trẻ đến ngay các phòng khám chuyên khoa hô hấp để bác sĩ thăm khám lâm sàng, nghe phổi, X-quang ngực, xét nghiệm máu, phân tích đờm, đo các chức năng phổi.
Biến chứng và cách điều trị viêm phế quản phổi ở trẻ em
Biến chứng: Mặc dù viêm phế quản có thể tự khỏi nếu được chăm sóc tốt nhưng nó có thể dẫn đến viêm phổi, đặc biệt ở trẻ nhỏ với hệ miễn dịch còn non yếu để chống lại các tác nhân gây bệnh. Mặt khác bệnh viêm phế quản phổi nếu không được điều trị đúng cách thì sẽ rất dễ tái phát dẫn đến viêm mạn tính, hen suyễn, các rối loạn phổi khiến trẻ chậm lớn, chậm phát triển.
- Suy tim: Là biến chứng thường gặp ở trẻ nhỏ, nhất là ở những trẻ có kèm bệnh tim bẩm sinh.
- Sốc, trụy mạch do thiếu oxy kéo dài hoặc do nhiễm trùng nặng, làm cho tình trạng thiếu oxy tổ chức càng trầm trọng.
- Nhiễm trùng huyết.
- Xẹp phổi: Đặc biệt cần chú ý ở trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh vì đường thở của trẻ rất nhỏ, dễ bị bít tắc do phù nề niêm mạc phế quản và xuất tiết dịch trong lòng phế quản.
- Ứ khí phổi: Ứ khí phế nang làm cản trở nghiêm trọng quá trình trao đổi khí, nhanh chóng dẫn đến suy hô hấp nặng.
- Tràn khí, tràn dịch màng phổi.
Viêm phế quản phổi ở trẻ có thể dẫn đến biến chứng nhiễm khuẩn huyết
Mục tiêu điều trị: Hầu hết các nguyên nhân gây viêm phế quản phổi đều do virut vì thế mục tiêu điều trị viêm phế quản phổi là làm giảm các triệu chứng lâm sàng, làm thông thoáng đường thở của trẻ khi trẻ đã có dấu hiệu tím tái, khó thở. Do đó các thuốc sử dụng trong trường hợp này là giảm đau, sốt, ho, chỉ sử dụng kháng sinh khi có bằng chứng nhiễm khuẩn và điều này là do bác sĩ chuyên khoa nhận định.
Cần phát hiện và điều trị sớm khi trẻ chưa có suy hô hấp hoặc biến chứng nặng.
Điều trị theo 4 nguyên tắc:
- Chống nhiễm khuẩn (trong trường hợp nguyên nhân là do vi khuẩn).
- Chống suy hô hấp.
- Điều trị các rối loạn nước, điện giải, kiềm toan…
- Điều trị các biến chứng (nếu có).
Nếu trẻ thường xuyên lặp đi lặp lại các đợt viêm phế quản, thủ phạm có thể là yếu tố trong môi trường, không khí lạnh, ẩm, ô nhiễm không khí hoặc khói thuốc lá có thể dẫn đến viêm phế quản cấp tính.
Chăm sóc về chế độ dinh dưỡng là điều không thể thiếu trong việc điều trị trẻ bị viêm phế quản phổi.
>>Xem thêm: Trẻ bị viêm phế quản phổi kiêng ăn gì
Điều trị bệnh kịp thời tránh những biến chứng có hại cho trẻ
Bên cạnh những chú ý về điều trị bệnh thì ba mẹ cũng nên quan tâm nhiều hơn đến các biện pháp phòng tránh cho trẻ. Tránh để trẻ nhiễm lạnh nhất là khi thời tiết đột ngột thay đổi, giữ ấm cổ, ngực, tay chân, lau khô mồ hôi tránh để thấm ngược trở lại rất dễ cảm lạnh.
Dược sĩ Lê Thảo