Giúp ba mẹ tránh tái phát và giảm tần suất các cơn hen suyễn ở trẻ nhỏ

 Dược sĩ Khánh Linh
 PGS.TS Đinh Ngọc Sỹ
Hen phế quản là căn bệnh mạn tính gây ảnh hưởng rất nhiều đến sức khoẻ của trẻ mỗi khi cơn hen tái phát. Bài viết sau đây cung cấp các thông tin về tác nhân gây ra cơn hen cấp và cách làm giảm tần suất

1. Các tác nhân gây ra cơn hen cấp ở trẻ em

Hen suyễn hay còn gọi là hen phế quản có nhiều nguyên nhân, đối với trẻ em sức đề kháng còn non yếu thì càng khó chống đỡ lại những tác nhân gây bệnh từ bên ngoài. Khi hít phải những tác nhân kích thích, bé thường lên cơn hen cấp tính, gây phù nề và chít hẹp đường thở. Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu những tác nhân cơ bản gây ra cơn hen cấp tính để có thể lưu ý phòng tránh cho bé khi bé bị bệnh hen. Đây cũng là những yếu tố mà bậc cha mẹ nào cũng cần chú ý để giúp con khỏe mạnh hơn:

  • Các dị nguyên thường gây dị ứng, kích thích cơn hen: Phấn hoa, lông vật nuôi, các thành phần hoặc độc tố từ côn trùng, nấm mốc, bụi bẩn, nước lau sàn, nước xả vải.. Những yếu tố này không chỉ thường gây nên các cơn hen cấp tính mà cũng có thể gây ra các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp do đó mẹ chú ý khi nhà có con nhỏ cần giữ vệ sinh thật sạch sẽ trong phòng và xung quanh nhà. Nếu bé bị hen thì nên tránh tiếp xúc với phấn hoa, lông chó mèo hoặc côn trùng như bướm, sâu bọ …
  • Những thức ăn có thể gây nên dị ứng: trứng, sữa bò, đậu nành, đậu phộng, tôm, cá … Một số bé có cơ địa dị ứng với đạm sữa bò hoặc đạm đậu nành, có bé lại dị ứng với đậu phộng hoặc trứng,…do đó khi con bị hen, các mẹ cần chú ý đến thực phẩm cung cấp cho trẻ, tránh những thức ăn gây dị ứng.
  • Không khí ô nhiễm: khói thuốc lá, khói bếp, bụi than, bụi nhà từ thảm, len, sàn nhà…là nguyên nhân rất thường gặp gây ra các bệnh đường hô hấp và hen phế quản. Bạn nên tránh để bé tiếp xúc với các loại khói bụi trên và không nên trải thảm trong nhà.

Các dị nguyên gây dị ứng như phấn hoa làm kích thích cơn hen ở trẻ

  • Thay đổi thời tiết: Khi thời tiết thay đổi, gió lạnh, chuyển mùa…cơ thể bé nhạy cảm hơn, khó thở và có thể lên cơn hen do đó cần tránh gió lạnh, cho trẻ mặc ấm phù hợp với thời tiết.
  • Các bệnh nhiễm trùng hô hấp: Sau một đợt nhiễm trùng đường hô hấp do virus gây ra, trẻ có thể sẽ bị hen phế quản. Khi bị hen dạng này, trẻ thường thấy khó thở, thở ran rít. Do đó khi chăm con bạn nên phòng ngừa con bị các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp, nếu có dấu hiệu bất thường thì đưa trẻ đi khám chữa dứt điểm luôn tránh biến chuyển thành những bệnh khác.
  • Trẻ bị gắng sức như khóc hoặc cười quá nhiều… cũng có thể là một tác nhân gây ra cơn hen phế quản cấp tính.

Mặc dù rất nhiều tác nhân có thể gây ra cơn hen cấp tính như trên nhưng không phải tất cả trẻ bị hen phế quản đều phản ứng với tất cả những yếu tố đó. Tuy vậy sức đề kháng ở trẻ nhỏ vốn đã yếu ớt, những bé bị hen phế quản lại càng nhạy cảm hơn nên các ông bố bà mẹ cần chú ý tìm hiểu những yếu tố gây dị ứng cho trẻ và phòng ngừa cơn hen có thể tái phát vì các nguyên nhân đó.

2. Cách giảm tần suất cơn hen suyễn ở trẻ nhỏ

Khi các tác nhân này gây kích thích lên phế quản, chúng gây ra phản ứng viêm, đây là yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất gây ra tình trạng chít hẹp đường thở. Tiếp theo đó là các triệu chứng điển hình của hen phế quản ở trẻ như khó thở, ho và các phát ứng quá phát của cơ thể. Nếu tình trạng hen phế quản không được kiểm soát tốt, các cơn hen cấp sẽ xuất hiện ngày càng nhiều, kéo theo tình trạng bệnh càng thêm trầm trọng dễ để lại biến chứng. Vì vậy ba mẹ nên lưu ý các điều sau để giảm tần suất cơn hen cấp ở trẻ:

  •  Cần chú ý giữ ấm đúng mức cho bé khi thời tiết thay đổi: cho bé mặc đủ ấm, quần áo khô thoáng, tránh gió lùa, tránh ra đường khi trời đang mưa.
  •  Một tập quán lâu đời mà nhiều gia đình thường làm là thoa chút dầu khuynh diệp, dầu xanh để cho bé được thêm ấm. Tuy nhiên, đối với các bé mắc bệnh suyễn, đây là điều nên tránh. Các chất có mùi nồng (trong đó có các loại dầu) cũng là yếu tố có thể kích thích cơn suyễn khởi phát.
  •  Tránh cho bé mắc bệnh suyễn tiếp xúc gần gũi với người đang bị cảm ho khác (dù chỉ cảm ho thông thường).
  •  Rửa tay là một biện pháp đơn giản, dễ làm và hiệu quả trong phòng tránh nhiều bệnh hô hấp, cũng sẽ góp phần bảo vệ bé không bị lên cơn hen suyễn. Nên rửa tay khi từ ngoài đường về nhà, trước và sau khi ăn, sau khi làm vệ sinh, trước và sau khi chăm sóc bé.

Rửa tay sạch sẽ cho bé là cách đơn giản hạn chế hen phế quản

  • Tiếp tục cho bé dùng thuốc phòng ngừa suyễn nếu được bác sĩ chỉ định. Không cần tự tăng liều thuốc phòng ngừa trong thời gian này.
  •  Trong trường hợp bé thường có biểu hiện lên cơn suyễn mỗi khi bị cảm lạnh, cha mẹ có thể đưa bé đến bác sĩ để có thể được chỉ định uống thuốc ngừa suyễn ngắn hạn mỗi khi bé bắt đầu có triệu chứng nhiễm siêu vi đường hô hấp.

Gửi câu hỏi hoặc đặt hàng tại đây

Tư vấn trực tuyến