Cách điều trị hen phế quản trẻ em
Bệnh hen suyễn (hen phế quản) là gì?
Hen phế quản hay còn gọi là hen suyễn là bệnh viêm đường thở mạn tính làm ống phế quản phù nề và tăng tiết chất nhầy gây nên những đợt khó thở, thở rít và ho tái diễn
Ở Việt Nam, tỷ lệ hen suyễn ở trẻ khá cao và có chiều hướng tăng dần. Theo công bố của Bộ Y tế tỉ lệ này năm 2000 là 8%, đến năm 2004 đã là 10%. Trẻ dưới 10 tuổi, 3 tuổi là đối tượng có tỉ lệ mắc bệnh cao hơn hẳn so với những độ tuổi khác.
Bệnh hen suyễn ở trẻ có chữa được không?
Hen suyễn là tình trạng viêm mạn tính đường hô hấp gây co thắt phế quản, kèm tiết dịch. Nguyên nhân hen suyễn ở trẻ em do trẻ có cơ địa dị ứng và gặp phải những tác nhân gây dị ứng gây nên hen. Do đây là một bệnh mạn tính và nguyên nhân không phải do nhiễm khuẩn nên bệnh không thể chữa khỏi hoàn toàn.
Tuy nhiên, nhờ vào sự phát triển của y học, ngày nay, chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát được cơn hen ở trẻ dựa vào kiểm soát môi trường và điều trị hỗ trợ bằng thuốc.
Đánh giá mức độ của bệnh để có biện pháp chữa trị hen suyễn ở trẻ em
Đánh giá này giúp bác sĩ đưa ra chỉ định thuốc phù hợp. Lưu lượng đỉnh (viết tắt là FEV) là lưu lượng khí thở ra khỏi phổi tối đa, ở phần đầu của thì thở ra nó phụ thuộc vào lực do cơ thở ra sản sinh và khẩu kính của đường thở nghĩa là phụ thuộc vào gắng sức, tiếp theo đó không phụ thuộc vào gắng sức nữa.
- Cách quãng: Dưới 2 lần/tuần các cơn đột phát ngắn, giữa cơn trẻ vẫn bình thường. Triệu chứng về đêm thường dưới 2 lần/tháng. Lưu lượng đỉnh > 80%. Dao động lưu lượng đỉnh <20%.
- Nhẹ dai dẳng: Triệu chứng bệnh hen diễn ra trên 2 lần/tuần. Các cơn hen cấp kịch phát có thể ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày của bé. Các triệu chứng về đêm diễn ra trên 2 lần/tháng. Lưu lượng đỉnh > 80%. Dao động 20-30%.
- Trung bình dai dẳng: Triệu chứng xảy ra hàng ngày, trẻ phải sử dụng thuốc cắt cơn hàng ngày. Các cơn hen cấp ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt > 2 lần/tuần và kéo dài cả ngày. Triệu chứng về đêm nhiều hơn 1 lần/tuần. Lưu lượng đỉnh: 60-80%. Dao động lưu lượng đỉnh > 30%.
- Nặng dai dẳng: Triệu chứng xảy ra liên tục. Trẻ bị giới hạn hoạt động hàng ngày. Các cơn hen kịch phát xảy ra thường xuyên về đêm. Lưu lượng đỉnh <60%. Dao động lưu lượng đỉnh >30%.
Cách trị hen suyễn ở trẻ em
Hen phế quản ở trẻ là bệnh mạn tính, tức là trẻ sẽ phải sống chung với căn bệnh cả đời. Vì thế, trẻ sẽ rất cần bạn - những người đồng hành cùng trẻ trải qua những năm tháng khó khăn này. Và để chăm sóc trẻ tốt, bạn cần phải có những kiến thức nhất định về điều trị và chăm sóc trẻ hen phế quản.
Điều trị hen phế quản gồm điều trị cắt cơn hen cấp và điều trị duy trì giúp kiểm soát tình trạng bệnh của trẻ. Nội dung dưới đây chỉ tập trung nói về điều trị duy trì cho trẻ còn về xử trí cơn hen phế quản cấp như thế nào mới bạn đọc bài viết Xử trí cơn hen cấp.
Mục tiêu điều trị hen phế quản ở trẻ em
Điều trị hen phế quản cho trẻ với mục tiêu:
- Các triệu chứng hen được kiểm soát tốt và trẻ có thể duy trì mức độ hoạt động bình thường.
- Giảm thiểu nguy cơ chuyển biến xấu của bệnh: giảm nguy cơ xuất hiện cơn hen kịch phát, duy trì chức năng hô hấp, sự hoạt động của phổi càng gần với bình thường càng tốt và giảm đến mức tối thiểu tác dụng phụ của thuốc.
Trong điều trị và kiểm soát hen phế quản trẻ em cần thực hiện theo các nguyên tắc:
Dùng thuốc giãn phế quản tác dụng ngắn- SABA (Short Acting Beta 2 Agonist) làm giãn phế quản cho tất cả các trẻ có triệu chứng hen.
- Trẻ nhỏ, khởi đầu phòng bệnh bằng các thuốc Corticoids dạng phun hít- ICS (Inhaled Corticosteroid) liều thấp, montelukast (thuốc kháng Leucotrien).
- Hầu hết trẻ nhỏ bị hen suyễn thể nhẹ, vì vậy dung SABA được khuyến cáo, không nên dung thuốc phòng hen kéo dài.
Những trẻ nào cần được điều trị duy trì hen phế quản
Những trẻ bị hen phế quản có những đặc điểm dưới đây cần được chỉ định điều trị duy trì để kiểm soát bệnh:
- Trẻ có những dấu hiệu gợi ý chẩn đoán hen và những dấu hiệu này không được kiểm soát, và/hoặc trẻ có từ 3 đợt khò khè trở lên trong một mùa.
- Dù chỉ có 1-2 đợt trong một mùa nhưng đó là những đợt khò khè nặng, khởi phát do virus.
- Trẻ đang được theo dõi hen và phải hít thuốc giãn phế quản tác dụng ngắn - SABA lớn hơn 1-2 lần/tuần.
- Trẻ phải vào viện vì cơn hen cấp nặng hoặc nguy kịch.
Phương pháp điều trị duy trì ban đầu cho trẻ hen suyễn
Để điều trị duy trì, trước hết bạn cần đánh giá được mức độ nặng nhẹ của bệnh, làm căn cứ để lựa chọn thuốc hen phế quản phù hợp nhất.
- Hen phế quản gián đoạn: Thuốc SABA (nhóm thuốc đồng vận beta2 tác dụng ngắn) hít khi cần, LTRA (kháng thụ thể leukotrien).
- Hen phế quản dai dẳng nhẹ: Liều thấp ICS (corticosteroid dạng hít), có thể thay thế bằng thuốc nhóm LTRA.
- Hen phế quản dai dẳng trung bình: Liều trung bình ICS hoặc thay thế bằng ICS liều thấp và LTRA.
- Hen phế quản dai dẳng nặng: Liều cao ICS hoặc thay thế bằng ICS liều trung bình và LTRA.
Điều trị hen suyễn ở trẻ theo mức độ kiểm soát triệu chứng
Sau khi hoàn thành biện pháp điều trị ban đầu, trẻ sẽ được đánh giá mức độ kiểm soát bệnh và điều chỉnh lại phương pháp điều trị theo mức độ kiểm soát triệu chứng, với mục tiêu kiểm soát cơn hen bằng cách dùng thuốc với liều thấp nhất có thể.
Thông qua các triệu chứng của trẻ bị hen suyễn, bạn có thể chọn điều trị trong 4 bậc dưới đây. Hướng điều trị duy trì theo cách tăng hay giảm bước điều trị giúp triệu chứng được kiểm soát tốt hơn, giảm thiểu nguy cơ xuất hiện cơn hen cấp, cũng như tác dụng phụ của thuốc.
- Bậc 1 (thỉnh thoảng trẻ bị khò khè do nhiễm virus và giữa các đợt không hoặc ít có triệu chứng): Ưu tiên dùng thuốc LTRA trong 2-4 tuần.
- Bậc 2 (Triệu chứng phù hợp hen và triệu chứng hen không kiểm soát tốt, hoặc 1 năm có từ 3 cơn hen cấp trở lên, hoặc kiểu triệu chứng không phù hợp hen nhưng mỗi 6-8 tuần lại xuất hiện các đợt khò khè): Liều thấp ICS hàng ngày được ưu tiên và có thể thay thế bằng LTRA.
- Bậc 3 (Trẻ bị hen nhưng triệu chứng không được kiểm soát tốt với ICS liều thấp): Phòng ngừa ưu tiên với ICS liều trung bình hoặc thay thế bằng thuốc ICS liều thấp và LTRA.
- Bậc 4 (Hen không được kiểm soát tốt với liều trung bình ICS): Vẫn tiếp tục ưu tiên dùng thuốc ICS liều trung bình và chuyển chuyên gia hoặc thêm TLRA và tăng liều ICS.
Điều trị theo các bậc trên và đánh giá lại hiệu quả điều trị để từ đó có hướng thay đổi điều trị tiếp theo cho phù hợp.
- Mức độ kiểm soát tốt: Trong hoặc hơn 3 tháng, khi triệu chứng hen kiểm soát tốt, trẻ có thể được giảm bậc điều trị. Tuy nhiên, điều này chỉ nên được tiến hành khi trẻ không bị nhiễm khuẩn hô hấp, không đi du lịch hoặc vào thời điểm chuyển mùa. Với những trẻ đang chữa trị bằng ICS thì giảm 25-50% liều mỗi 3 tháng.
- Kiểm soát một phần: Khi này, bạn cần kiểm tra lại kỹ thuật hít thuốc và đảm bảo trẻ được dùng thuốc theo đúng liều chỉ định, loại bỏ các yếu tố nguy cơ gây các cơn hen phế quản. Nếu đây không phải là lý do ảnh hưởng tới sự kiểm soát bệnh thì trẻ cần được tăng bậc điều trị.
- Không kiểm soát: Bạn cũng phải kiểm tra lại vấn đề trên và loại bỏ sự tác động của chúng trước khi tăng bậc điều trị cho trẻ.
Khi nào có thể ngưng điều trị bệnh hen suyễn ở trẻ nhỏ
Nếu trẻ hết các triệu chứng hen trong 6-12 tháng, điều trị đang ở bước thấp nhất và không có yếu tố nguy cơ thì bác sĩ có thể cân nhắc ngưng điều trị duy trì hen phế quản cho trẻ.
Tuy nhiên, ngưng điều trị này không nên tiến hành vào mùa mà trẻ hay bị nhiễm khuẩn đường hô hấp, mùa có nhiều phấn hoa, và khi trẻ đi du lịch.
Ngưng điều trị không có nghĩa là bạn thôi quan tâm đến căn bệnh hen suyễn ở trẻ, mà bạn cần đi khám lại theo yêu cầu của bác sĩ. Thông thường là từ 3-6 tuần. Và nếu trẻ xuất hiện lại những triệu chứng thì cần được điều trị lại.
Hi vọng bài viết trên sẽ giải đáp được phần nào câu hỏi về cách điều trị hen phế quản ở trẻ em. Chúc cho các bé bị hen suyễn sẽ luôn được khỏe mạnh hơn và có thể thổi bay đi được những cơn hen cấp khó chịu ấy.
Dược sĩ Thu Hà