Dấu hiệu của viêm tiểu phế quản
Ho, sổ mũi, ngạt mũi có thể là bệnh viêm tiểu phế quản ở trẻ
Viêm tiểu phế quản là bệnh chỉ xảy ra ở trẻ dưới 24 tháng tuổi, thường gặp nhất ở trẻ 3 - 6 tháng tuổi. Khi mắc bệnh, các phế quản nhỏ bị viêm, phù nề, tăng sản xuất dịch nhầy làm cho đường thở của trẻ bị chít hẹp thậm chí tắc nghẽn. Vì vậy, trẻ sẽ bị khò khè, khó thở và nặng hơn nữa trẻ sẽ bị thiếu ôxy để thở.
Trong vài ngày đầu, viêm tiểu phế quản thường có triệu chứng của viêm đường hô hấp trên như chảy nước mũi trong, ho khan, có thể có sốt vừa hoặc nhẹ. Tuy nhiên bạn nên lưu ý vì sốt không phải triệu chứng đặc trưng của bệnh, khi trẻ sốt trên 39 độ cần phải được đánh giá cẩn thận để xem xét các nguyên nhân khác gây bệnh. Trên thực tế, có rất nhiều trẻ viêm tiểu phế quản không bị sốt hoặc chỉ bị sốt nhẹ. Trẻ có thể xuất hiện những cơn ho ngày một kéo dài, nhất là về nửa đêm hoặc gần sáng. Khi ấy, trẻ thường thở khò khè hoặc khó thở, thậm chí ngừng thở, bú kém, nôn trớ. Thông thường, trẻ sẽ khò khè kéo dài khoảng 7 ngày sau đó giảm dần rồi khỏi hẳn. Cá biệt có một số trường hợp ho sẽ kéo dài hơn.
Dấu hiệu ban đầu của viêm tiểu phế quản thường không đặc trưng và dễ nhầm lẫn với các viêm đường hô hấp khác. Bố mẹ phải chú ý khi trẻ có các dấu hiệu sau đây:
Trong giai đoạn ủ bệnh từ 2 tới 5 ngày, trẻ có biểu hiện:
- Có thể sẽ kém ăn và khó ăn.
- Sốt nhẹ.
- Ho, sổ mũi và ngạt mũi.
- Có thể có ngưng thở.
Các dấu hiệu của viêm tiểu phế quản nặng như:
- Suy hô hấp với thở nhanh, có thể có co thắt tiểu phế quản.
- Có thể có tím tái.
- Các biến chứng nặng của viêm tiểu phế quản.
Ở trẻ sơ sinh khỏe mạnh, nhiễm trùng thường tự biến mất trong 1 - 2 tuần. Nếu trẻ sinh non hoặc có vấn đề về sức khỏe, chẳng hạn như bệnh tim, bệnh phổi hoặc hệ thống miễn dịch suy yếu, nhiễm trùng có thể nặng hơn và cần phải nhập viện.
Nếu trẻ có bất kỳ dấu hiệu và triệu chứng sau đây, hãy nhanh chóng đưa trẻ đến gặp bác sĩ:
- Ói mửa.
- Thở rất nhanh và nông - hơn 40 hơi thở một phút.
- Da xanh, đặc biệt là xung quanh môi và móng tay (xanh tím).
- Kiệt sức, cố gắng để thở hoặc phải ngồi dậy để thở.
- Hít thở quá nhanh khi ăn hoặc uống.
- Nghe âm thanh thở khò khè.
Các mẹ hãy lưu ý các dấu hiệu bất thường của trẻ để có phương thức xử lý kịp thời, tránh để bệnh nặng gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ.
Mai Anh (biên tập)