Viêm phôi hít ở trẻ
1. Viêm phổi hít ở trẻ là gì?
Viêm phổi hít còn được biết đến với nhiều tên gọi khác là viêm phổi do hít phải, viêm phổi sặc. Đây là một dạng nhiễm trùng phổi xảy ra do một lượng lớn vật chất từ dạ dày hoặc miệng đi vào hai bên phổi.
Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Y tế có khoảng 8-15% số trẻ sơ sinh có nước ối nhuộm phân su và có 5% số trẻ dịch ối có chứa phân su bị viêm do hít ối phân su và 50% số này cần phải thở máy.
Viêm phổi hít phân su thường gặp ở trẻ đủ hoặc già tháng có bất thường khi sinh làm thời gian sinh kéo dài như sinh khó cơ học, ngôi thai bất thường,dây rốn cuốn cổ, dây rốn ngắn,...
2. Nguyên nhân gây viêm phổi hít ở trẻ em
Tùy vào đặc điểm của trẻ theo từng lứa tuổi mà sẽ có những nguyên nhân đặc trưng gây bệnh viêm phổi hít/sặc khác nhau.
2.1. Ở trẻ sơ sinh
- Về mặt lý thuyết, thì tình trạng suy thai và thiếu oxy mô làm kích thích hệ thần kinh phó giao cảm và gây ra sự tống xuất phân su vào nước ối.
- Trẻ sơ sinh hít phải nước ối có lẫn phân su (hội chứng hít ối phân su), từ đó làm tắc nghẽn một phần hoặc hoàn toàn đường thở, gây rối loạn trao đổi khí ở phổi và suy hô hấp nặng.
2.2. Ở trẻ nhỏ
Viêm phổi hít ở trẻ em, đặc biệt là đối với trẻ dưới 3 tuổi có thể bắt nguồn từ việc sặc nước bọt, đờm rãi, thức ăn, chất lỏng có hại như xăng, dầu hôi rất nguy hiểm.
Điều này thường xảy ra khi cơ thực quản hoạt động không bình thường dẫn đến các vấn đề về nuốt. Có thể do các nguyên nhân sau:
- Trẻ bị hở hàm ếch hoặc gặp một vấn đề bất thường trong thực quản
- Trẻ thực hiện một số các tiểu phẫu y học như có ống thông mũi hoặc cắt khí quản
- Tăng trưởng chậm, sinh non, hoặc gặp tình trạng như hội chứng Down
- Tổn thương não, hoặc nhiễm trùng não
- Trẻ gặp các vấn đề với dây thần kinh não kiểm soát các cơ nuốt, nhai hoặc teo cơ tủy sống dẫn đến các cơ không hoạt động đúng chức năng
Nguy cơ viêm phôi hít ở trẻ sinh non
Ngoài ra, viêm phổi sặc còn có thể xảy ra do trẻ chưa thuần thục nhai nuốt, hay đùa nghịch quá khi đang ăn, dẫn tới việc nước bọt, hay thức ăn đi ngược lên đường hô hấp, khiến bé có phản xạ sặc, và vi khuẩn và các tác nhân gây bệnh có sẵn trong đó sẽ đi vào phổi gây viêm nhiễm.
Trong trường hợp bé uống phải xăng, dầu hôi, được các bác sĩ gọi là viêm phổi do hít phải Hydrocarbon. Việc uống nhầm các chất này gây viêm phổi hóa học, do việc bay hơi của chúng từ dạ dày lên phổi. Tình trạng này xảy ra khá phổ biến, tỷ lệ tử vong thấp (dưới 1%) nhưng có thể có di chứng trên hệ hô hấp kéo dài đến 10 năm.
3. Dấu hiệu nhận biết bé đang bị viêm phổi hít
Viêm phổi hút thường xảy ra sau những nguyên nhân trên, nên những triệu chứng của nó nhanh và dồn đập:
- Thở nhanh
- Thở khò khè, khó thở
- Môi và các đầu chi tím tái
- Tụt huyết áp
Triệu chứng của viêm phổi hít thường do khả năng hô hấp của trẻ bị ảnh hưởng do viêm và do dị vật.
4. Phòng tránh và xử trí viêm phổi hít ở trẻ
Viêm phổi hít, viêm phổi sặc chỉ là một dạng ít gặp của viêm phổi ở trẻ em. Tuy nhiên nếu trẻ bị viêm phổi nên làm gì? Tùy vào từng nguyên nhân viêm phổi hít, viêm phổi sặc ở trẻ mà có cách điều trị viêm phổi hít và phòng tránh nó khác nhau.
4.1. Viêm phổi hít do hít ối phân su
Với các trường hợp tránh hội chứng hít phân su ở trẻ, các mẹ có thai kỳ nguy cơ cao cần dược theo dõi kỹ trong thai kỳ và trong khi sinh. Đó là những trường hợp như: thai chậm tăng trưởng trong tử cung, thai già tháng, mẹ tiền sản giật, cao huyết áp, có bệnh tim phổi mãn…
Khi thấy ra nước ối màu xanh đậm, mẹ cần báo ngay cho bác sĩ để được theo dõi sát sao nhịp tim thai, tình trạng suy thai để có các biện pháp can thiệp sớm nếu cần. Tuy hít ối phân su ở trẻ sơ sinh là tai biến đáng sợ nhưng phần lớn các trường hợp đều không nghiêm trọng. Việc theo dõi cẩn thận và có cách chữa trị kịp thời sẽ giúp hạn chế tình trạng nặng cũng như biến chứng của viêm phổi về sau.
Viêm phổi hít ở trẻ sơ sinh
4.2. Viêm phổi hít do hydrocarbon
Để tránh các trường hợp viêm phổi do hít hydrocarbon, các bố mẹ nên lưu ý :
- Tránh để các bình chứa xăng, dầu hay các chất hydrocarbon khác trong tầm tay của trẻ
- Sơ cứu đúng ngay khi phát hiện trẻ uống nhầm hydrocarbon.
4.3. Viêm phổi sặc do thức ăn, nước bọt, đờm rãi
Việc điều trị viêm phổi sặc cho trẻ em có thể khác nhau phụ thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của trẻ, song song với các phác đồ điều trị viêm phổi cần áp dụng các biện pháp dưới đây để điều trị triệt để tình trạng viêm nhiễm trong phổi của trẻ:
- Thay đổi vị trí và tư thế trong bữa ăn. Tuyệt đối không đùa nghịch quá khích trong khi trẻ ăn
- Thay đổi dạng thức ăn và loại thực phẩm cho bé dễ nuốt hơn
- Thực hiện các bài tập để hình thành phản xạ nuốt thuần thục hơn
- Phẫu thuật làm giảm trào ngược hay sửa chữa một số giải phẫu bất thường như hở hàm ếch.
- Đặt ống thông mũi dạ dày khi cần thiết.
Trên đây là những thông tin cơ bản về bệnh viêm phổi hít ở trẻ mà bố mẹ có thể tham khảo. Để biết thêm thông tin chi tiết, mời liên hệ đường dây nóng để được hỗ trợ miễn phí.
Dược sĩ Thu Hoài